(PLO)- Nhiều chính sách mới về BHYT, phòng chống bạo lực gia đình, ngân hàng… sẽ có hiệu lực từ tháng 12-2023.
Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số chính sách mới nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12-2023 dưới đây:
Cản trở vợ/chồng cũ kết hôn là bạo lực gia đình
Có hiệu lực từ 25-12, Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Nghị định 76 quy định các hành vi được xác định là bạo lực gia đình giữa những người đã ly hôn. Trong đó, vợ/chồng cũ có hành vi tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của “người cũ” nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc cản trở “người cũ” kết hôn thì đều được xác định là đã có hành vi bạo lực gia đình.
Khi đó, tùy trường hợp mà sẽ bị áp dụng các biện pháp như cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng chống, bạo lực gia đình.
Bổ sung đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3-12, Nghị định 75/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó, Nghị định 75 bổ sung thêm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại Điều 12 Luật BHYT.
Quy định này được áp dụng từ ngày 19-10-2023.
Đồng thời, bổ sung đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho đối tượng nêu trên trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1-11-2023.
Nhiều giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN
Đây là nội dung được quy định tại Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-12.
Theo đó, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính dưới đây có các mức giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng trở lên phải báo cáo ngân hàng Nhà nước:
(i) Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
(ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động gồm: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.